Cụm từ chạy ro-dai hay roda cho xe máy mới mua đã khá quen thuộc với nhiều người nhưng số người áp dụng và áp dụng đúng cách thì lại không nhiều. Mặc dù ít được quan tâm nhưng giai đoạn chạy ro-dai sẽ làm cho chiếc xe của bạn trở nên hoàn hảo hơn về mặt máy móc và có một trạng thái vận hành vô cùng êm ái, bền bỉ về sau.
Chạy ro-dai hay roda xe máy là gì?
Theo cách hiểu nôm na, chạy ro-dai là quá trình chạy rà, chạy ban đầu, chạy cho quen dần… để máy móc, động cơ của một chiếc xe mới có thể hoạt động trơn tru, bền bỉ về sau.
Đây là một trong những bước bảo dưỡng xe rất cần thiết.
Tại sao phải chạy ro-dai cho xe máy mới?
Tất cả các loại máy móc bao gồm cả động cơ xe khi được lắp ráp xong đều là những chi tiết mới toanh. Hàng ngàn chi tiết, cấu kiện lớn nhỏ vẫn còn nguyên những góc cạnh dư, sắc bén, những sai sót nhỏ trên bề mặt, những chỗ gồ gề chưa ăn khớp nhau… nên chắc chắn trong thời gian vận hành đầu tiên các bộ phận này sẽ không thể nào hoạt động trơn tru ở cường độ cao được.
Vì lí do trên mà chạy ro-dai chính là một phương pháp để các bộ phận máy móc tự mài dũa cho nhau trong thời gian đầu. Qua quá trình này những bộ phận có liên quan trực tiếp với nhau như các cặp bánh răng, pít-tông và xy-lanh,… sẽ hoạt động ăn khớp với nhau hơn tạo nên sự trơn tru, êm ái khi vận hành về sau cho toàn bộ máy.
Phương pháp chung, được khuyến cáo chạy ro-dai cho tất cả các loại xe gắn máy
*Thời gian ro-dai
Được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 trong phạm vi 1000 km đầu tiên. Đây là giai đoạn cần chạy ro-dai kỹ lưỡng nhất. Giai đoạn 2 tiếp tục cho đến km thứ 3000. Sau đó bạn có thể thoải mái vận hành xe.
*Cách ro-dai, khuyến cáo cho xe máy
1. Nổ máy từ 30 giây đến 1 phút trước khi chạy: điều này không chỉ áp dụng khi ro-dai mà còn cho cả những lúc vận hành sau này. Máy nổ khi mới khởi động nhớt chưa kịp bôi trơn toàn bộ máy, nên trong thời gian chờ 30 giây đến 1 phút sẽ đủ để nhớt bôi trơn toàn bộ máy, làm cho máy hoạt động trơn tru khi bắt đầu vận hành. Lưu ý những chiếc xe nổ máy lần đầu (sau nhiều tháng chờ bán) hoặc xe để quá 3 ngày không chạy, cần được đạp bồi vài cái (đối với xe số, xe côn) để việc khởi động máy dễ dàng hơn.
2. Tốc độ vận hàng phải tương ứng với số xe: đây là thông số tham khảo trên đa số các loại xe hiện nay
Cấp số 1: từ 0 – 10 km/h
Cấp số 2: từ 11 – 25 km/h
Cấp số 3: từ 26 – 40 km/h
Cấp số 4, 5, 6( đối với xe hộp số 5 hay 6 cấp): trên 40 km/h
***Lưu ý đặc biệt với xe côn tay: Khi phanh xe cũng phải trả số tương đương với khuyến cáo trên sẽ giúp hộp số và bộ côn không bị vênh hay yếu đi nhanh chóng.
***Đối với xe có hộp số cơ (xe số, xe côn): Từ 0 – 150km đầu chạy dưới 40km/h. từ 150 – 500km tiếp theo chạy dưới 50km/h. Từ mốc 500km trở về sau, cộng thêm 5km/h cho mỗi 100km chạy tiếp theo. Đến mốc 1000km có thể chạy tối đa 75km/h. Đặc biệt chỉ nên chạy tốc độ tối đa trong 15 giây sau đó giảm dần về tốc độ trung bình.
***Đối với xe tay ga: hãy cố gắn chia trục tay ga làm 3 nấc. Nấc 1 (khoảng 20km/h) chạy trong 150km đầu tiên. Nấc 2 chạy dưới 40km/h cho đến hết km thứ 2000. Nấc thứ 3 chạy dưới 60km/h cho đến lúc đạt mốc 3000km thì có thể chạy thoải mái.
3. Ro-dai hộp số: Trong quá trình ro-dai không nhũng tăng giảm tốc độ mà hộp số cũng cần phải thay đổi liên tục. Các thay đổi này phải tuân theo vận tốc khuyến cáo ở điều 2. Cụ thể, Khi cho máy nổ hãy chờ 1 phút sau đó lần lượt trả số từ N lên 4 và ngược lại từ 4 về N rồi bắt đầu cho xe lăn bánh. Khi xe chạy cũng động tác đó, ta thay đổi số xe và tốc độ tương ứng trong 5km rồi dừng xe tắt máy khoảng 10 phút.
*** Chú ý, quá trình ro-dai hộp số sẽ xuất hiện “kẹt số”. Bạn nên yên tâm vì lúc này máy móc chưa khớp hẳn nên sau vài lần kẹt, hộp số sẽ trơn tru không còn hiện tượng kẹt.
Ro-dai hộp số cho 100km đầu tiên bạn sẽ thấy hộp số có thể thay đổi rất dễ dàng.
4. Không thốc ga, lên ga hết cỡ bất ngờ: hành động này vừa tốn nhiên liệu vừa làm tổn hại hộp số.
5. Thay nhớt đúng mốc khuyến cáo của hãng xe: Giai đoạn ro-dai bạn đừng nên tiếc kinh phí thay nhớt. hãy thay nhớt theo các mốc lần lượt là 150km, 500km, 1000km, 2000km, 3000km. Lý do là vì giai đoạn này các chi tiết mới khi vận hành đã tự mài dũa cho nhau tạo ra nhiều cặn sắt, kim loại. Các cặn bã này khi rơi ra sẽ làm nhớt biến thành hỗn hợp “nguy hiểm” cho các bộ phận máy.
6. Không nổ máy tại chỗ, chạy không tải quá 5 phút: Đây là một sai lầm của nhiều người, khi ro-dai tại chỗ động cơ sẽ không được tản nhiệt tự nhiên bằng gió nên hệ động cơ sẽ bị nóng bất thường làm cho các bộ phận động cơ hoạt động trong điều kiện không tối ưu dễ gây hỏng hóc sau này.
7. Phải thay đổi tốc độ liên tục trên một quảng đường dài: Hành động này chính là ro-dai cho pít-tông và xy-lanh của máy xe. Không nên chạy tốc độ chầm chậm trong suốt thời gian ro-dai.
@ Người cầm lái nên thực hiện các bước trên kết hợp với khuyến cáo riêng biệt kèm theo từng loại xe để có kết quả tốt nhất.