Khác với xe máy thông thường chủ yếu di chuyển trên các điều kiện đường hoàn hảo (đi đường thẳng, đường bằng phẳng, mặt đường khô ráo…), những chiếc mô tô phân khối lớn thường di chuyển ở tốc độ cao, tăng tốc mạnh và có trọng lượng lớn.
Khác với xe máy đô thị, lốp cho mô tô phân khối lớn đóng vai trò quan trọng hơn nhiều đối với vận hành và độ an toàn.
Trong vận hành xe hai bánh, tốc độ cao (nhất là trên 80km/giờ) cùng với điều kiện mặt đường thiếu hoàn hảo (mặt đường trơn, thiếu bằng phẳng…), hoặc vào cua tại những đoạn đường khúc khuỷu, sẽ tạo ra những thách thức thực sự với lốp. Bên cạnh đó, so với một chiếc Honda Dream chỉ nặng 99kg và di chuyển trung bình 30-60km/giờ, việc hãm tốc một chiếc Suzuki GSX-S1000 nặng tới 210kg ở tốc độ cao (đôi khi lên tới hơn 200km/giờ) là câu chuyện khác hẳn. Trong những hoàn cảnh như vậy, chất lượng của chiếc lốp trở thành yếu tố quyết định khả năng giữ cân bằng, bám đường của xe cũng như độ an toàn cho người lái.
Ngoài khác biệt dễ thấy về kích thước, một bộ lốp của xe thể thao thường gồm hai chiếc khác nhau (thay vì dùng chung được như xe đô thị). Trong đó, lốp trước được thiết kế riêng nhằm đáp ứng việc định hướng xe, sao cho đem tới cảm giác lái chân thực, kiểm soát tối đa được đầu xe.
Trong khi đó, lốp sau thường to hơn, nhằm tăng bề mặt tiếp đất, tạo độ bám tối đa để đẩy chiếc xe về phía trước. Sự kết hợp hoàn hảo của cả bánh trước và sau như vậy sẽ giúp tạo sự ổn định tay lái cũng như tạo sự linh hoạt trước các tình huống trên đường, ví dụ như: Mượt mà khi cua gấp, giảm thiểu nguy cơ bị trơn trượt nhờ phân tán được nước trên bề mặt lốp, cân bằng xe, bám đường tốt, kể cả trong điều kiện đường rừng núi hiểm trở. Đây là những đặc điểm hầu như không được chú trọng trên lốp của xe máy đô thị.
Thứ đến, khi xem xét kết cấu bên ngoài, phần đỉnh lốp (tiếp xúc mặt đường nhiều nhất) thường dễ bị mòn, chịu tải chính và đảm bảo bám đường; trong khi vai lốp lại đóng vai trò hết sức quan trọng khi xe nghiêng để vào cua. Đặc điểm này dẫn tới việc nhà sản xuất thường sử dụng cao su cứng hơn cho phần đỉnh, còn vai lốp sử dụng cao su mềm hơn. Việc chọn lựa loại cao su, cũng như thiết kế các lớp vật liệu cũng tùy thuộc vào mục đích sử dụng của lốp. Những loại lốp được thiết kế cho di chuyển trên đường nhựa khác hoàn toàn lốp thiết kế cho đường đua. Chính vì điều này, việc đem xe có lốp thiết kế cho đường nhựa để “thử lửa” có thể khiến người lái đối mặt nhiều nguy cơ (thậm chí lốp có thể hỏng ngay sau vài giờ chạy). Ngược lại, lốp đường đua thường sẽ đem lại nhiều khó chịu nếu được lắp để sử dụng di chuyển hằng ngày.
Mỗi loại mô tô khác nhau yêu cầu các loại lốp cũng khác nhau.
Bên cạnh đó, mỗi loại mô tô phân khối lớn khác nhau cũng yêu cầu loại lốp có thiết kế hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như lốp cho các dòng xe Cruiser (như Harley Davidson Softail, Dyna; Yamaha Bolt, Styker…), hay Touring (Harley Davidson Street Glide, Road Glide, Honda Gold Wing, Yamaha Venture…) thường có thành lốp cứng hơn nhằm chịu được trọng lượng rất lớn của xe (cùng với lượng hành lý lớn của người sử dụng). Bề mặt của loại lốp này cũng khó bị mòn, hoa lốp dày. Đây là đặc điểm để đảm bảo lốp đủ bền bỉ cho các hành trình siêu dài và khả năng bám đường tốt hơn (đặc biệt là bám đường ướt).
Trong khi đó, các loại mô tô thể thao (như Honda CBR 1000RR, Yamaha R1M hay Suzuki GSX-R1000R) lại có trọng lượng nhẹ, nhưng thường sản sinh lực kéo cực lớn. Việc vận hành chúng cũng đòi hỏi sự chính xác đặc biệt cao. Những đặc điểm này dẫn tới nhu cầu về lốp nhẹ, và có độ bám lớn hơn hẳn ở mọi góc cạnh. So với lốp dành cho xe Cruiser/Touring, lốp xe thể thao thường nhẹ hơn và sử dụng vật liệu mềm hơn để đảm bảo độ bám và cho phép các tay đua nghiêng người vào cua thuận lợi hơn (nhất là khi đang di chuyển ở tốc độ cao). Điều này cũng đồng nghĩa với việc lốp cho xe thể thao thường không có tuổi thọ dài, và thường suy giảm các đặc tính sau khoảng 5.000km sử dụng.
Cũng cần phải nói rằng, nếu đường luôn sạch sẽ và khô ráo, hầu hết các tay lái đều có thể sử dụng loại lốp thể thao trơn không gai và tận hưởng độ êm ái hơn từ bề mặt lốp bằng phẳng. Trên thực tế, thời tiết có thể thay đổi bất thường, và mưa có thể đến bất chợt. Để giúp phương tiện không bị trượt trên đường, bề mặt lốp thể thao được thiết kế các khe rãnh, giúp nhanh chóng phá vỡ bề mặt nước và giúp lốp liên tục tiếp xúc với mặt đường. Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất cũng có những “mẹo” riêng trong thiết kế các rãnh gai, như Michelin Road 5 tạo hình tam giác cho phần đáy rãnh (XST Evo) để nước được thoát nhanh và hiệu quả hơn, đồng thời duy trì tối đa đặc điểm này khi lốp mòn dần do sử dụng (xem hình minh họa).
Rãnh gai trên lốp xe thể thao cho phép phá vỡ nhanh bề mặt nước, duy trì độ bám đường.
Ngoài hai loại lốp nói trên, mô tô phân khối lớn còn có một loại nữa là những chiếc xe thiên về chinh phục địa hình (như BMW GS, KTM Super Adventure, Honda Africa Twin, Ducati Hyperstrada…). Lốp dành cho những dòng xe này thường là loại có hoa rất lớn, dày để đảm bảo vượt qua được bùn lầy, leo đá hay thậm chí là cát trơn. Với loại lốp có phần chuyên dụng này, các nhà sản xuất thường nêu rõ tỉ lệ sử dụng thiết kế (ví dụ như 70% nhu cầu địa hình/30% nhu cầu di chuyển đường nhựa). Tùy thuộc vào mỗi người mà lựa chọn có thể khác nhau.
Lốp địa hình (ADV) trên một chiếc BMW GS.
Với những khác biệt rất lớn nói trên, không lạ khi một bộ lốp đích thực cho xe phân khối lớn thường có giá rất đắt, đôi khi lên tới hàng chục triệu đồng/đôi. Con số này vượt xa mức vài trăm ngàn đồng của lốp xe hai bánh đô thị. Tuy nhiên, không chỉ vì giá thành, mà người dùng cũng nên cân nhắc kĩ phong cách di chuyển cá nhân trong lần chọn lốp tiếp theo. Việc “đồng bộ” hợp lý loại lốp sử dụng và thói quen di chuyển không chỉ giúp chiếc mô tô và bộ lốp phát huy được hết công năng thiết kế, mà còn đem lại những trải nghiệm lý thú và an toàn hơn.
Hoàng Linh