Trong một thông báo mới, với tư cách là công ty đầu tư dẫn đầu trong vòng gọi vốn đầu tiên – Yamaha cho biết họ đã cùng nhiều tập đoàn khác đầu tư số tiền 12 triệu USD vào Roam Robotics – một công ty khởi nghiệp chuyên phát triển khung xương trợ lực (exoskeleton) có trụ sở tại Thung lũng Silicon (Mỹ).
Elevate – hệ thống đầu tiên do công ty này phát triển là dành cho những người chơi trượt tuyết. Nhà sản xuất cho biết sản phẩm có thể giúp tăng 4 lần sức mạnh, đồng thời gia tăng đáng kể khả năng kiểm soát trong khi giảm áp lực lên các khớp và cơ bắp. Hiện tại vẫn chưa rõ nhà sản xuất Nhật Bản có ý định làm gì với công nghệ này nhưng đối với ngành công nghiệp ô tô cũng như nhiều lĩnh vực khác, điều này không mới.
Tại Nhật Bản, các công ty như Panasonic, Honda và Cuberdyne thậm chí đã tung ra thị trường các bộ khung xương trợ lực như một giải pháp nhằm giảm gánh nặng cho người lao động khi dân số của quốc gia này đang ngày càng thu nhỏ và già đi. Không đứng ngoài cuộc chơi, một số công ty lớn của Mỹ như Ford, Siemens hay Lowe cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc phát triển khung xương trợ lực và ứng dụng nó cho nhân viên của công ty mình. Năm 2016, Hyundai từng giới thiệu bộ khung xương robot giúp người mặc tăng đáng kể sức mạnh, cho phép họ nâng vật có khối lượng lên đến “hàng trăm kg”.
Trên thực tế, khung xương trợ lực (Exoskeleton) đã có một lịch sử phát triển tương đối lâu dài, kể từ khi nó còn được định nghĩa là “cỗ máy tạo điều kiện cho việc đi lại” bởi nhà phát minh Nicholas Yagin từ năm 1890.Trong những năm 1960, quân đội Mỹ đã phát động một dự án phát triển khung xương trợ lực mang tên Hardiman do General Electric chịu trách nhiệm nghiên cứu phát triển. Thời điểm ấy, bộ khung xương lớn nhất có khả năng cung cấp cho người lính sức mạnh để nâng vật nặng đến gần 680 kg, nhưng vì khó khăn trong việc kiểm soát khiến cho nó chưa từng được đưa vào ứng dụng thực tế.
Trải qua nhiều năm, công nghệ này tiếp tục cải tiến và đến nay cũng đã có một loạt các công ty đầu tư vào lĩnh vực này với nhiều mục đích khác nhau như hỗ trợ người bị bại liệt, gia tăng sức mạnh cho quân đội hoặc giảm gánh nặng cho người lao động tay chân. Năm 2014, công ty có tên ReWalk nhận bằng sáng chế về bộ khung xương trợ lực được dùng cho các trung tâm phục hồi chức năng, cho phép những người bị tê liệt học cách ngồi, đứng, đi bộ và thậm chí leo lên cầu thang. Một số thiết kế khung xương trợ lực khác hiện cũng đang dần hoàn thiện tại MIT và Cơ quan Vũ trụ châu Âu.
(theo Businesswire)